
82 Ngày Địa Ngục Trên Chảo Lửa Okinawa: Thương Vong 110.000 Lính, Nhật Đầu Hàng Mỹ Trong NHỤC NHÃ
155.000 binh sĩ Mỹ, cả lính thủy đánh bộ cả lục quân với sự hỗ trợ của 1.300 tàu chiến đã đổ bộ, rót lửa xuống đảo Okinawa bức tường thành cuối cùng của đế quốc Nhật khiến cho 110.000 lính “bay màu” chỉ trong vòng 82 ngày giao tranh khốc liệt. Ngay bây giờ hãy cùng KTQS đến với một trong những trận đại chiến đẫm máu nhất làm rung chuyển cục diện Thái Bình Dương năm 1945. Mang mật danh Chiến dịch Iceberg, giai đoạn cuối Thế Chiến 2 đã diễn ra trận đổ bộ chiếm đảo đẫm máu nhất của Mỹ và lực lượng đồng minh trên mặt trận Thái Bình Dương. Mùa xuân năm 1945, quân Đồng minh tiến sát đến Nhật Bản và các máy bay đã có thể oanh tạc các thành phố Nhật.
Cách Nhật Bản khoảng 563 km, đảo Okinawa được coi là bức tường thành cuối cùng trước cuộc tấn công toàn diện nhằm vào chính quốc Nhật Bản của phe Đồng minh. 120.000 quân Nhật do Tướng Mitsuru Ushijima chỉ huy quyết tử thủ bảo vệ đảo trong khi quân Đồng minh ước tính, Nhật Bản chỉ có một nửa quân số này trên đảo. Lực lượng Nhật Bản được hỗ trợ bởi 10.000 máy bay và thiết giáp hạm mạnh nhất thời đó Yamato. Đối đầu với quân Nhật là 155.000 lính Mỹ, bao gồm cả lính thủy đánh bộ và lục quân. Mặc dù sau này, Mỹ phải đổ bộ thêm nhiều quân hơn để có thể chiếm hoàn toàn đảo Okinawa. Trung tướng Simon Bolivar Buckner chỉ huy đội quân đánh chiếm đảo với sự hỗ trợ của 1.300 tàu chiến, bao gồm cả nhóm tàu sân bay Anh.
Từ tháng 10/1944 – 3/1945, quân đội Mỹ mở đợt không kích nhằm vào Okinawa, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm máy bay địch. Đợt oanh tạc bằng tàu chiến bắt đầu từ ngày 18/3 trong khi phía Nhật đáp trả bằng tấn công cảm tử , gây thiệt hại 4 tàu sân bay Mỹ và phá hủy 2 tàu chiến khác. Các lực lượng trên mặt đất cũng chiếm dần các hòn đảo lân cận. Sư đoàn bộ binh số 77 Mỹ đổ bộ lên đảo Kerama ngày 26/3 trước sự chống trả yếu hơn của phía Nhật. Cho đến ngày đổ bộ đầu tiên vào 1/4/1945, các lực lượng Mỹ đã bắn tổng cộng 44.825 đạn pháo, 22.500 viên đạn súng cối và 32.000 quả rocket. Bãi mìn rải rác trước đảo Okinawa cũng đã được dọn dẹp.
4 giờ sáng, quân đoàn thủy quân lục chiến 24, với sự yểm trợ hỏa lực của các tàu chiến và máy bay, bắt đầu đổ quân lên bãi biển Hagushi, phía bắc Okinawa. 4 giờ 30 phút sau đó, binh sĩ Mỹ tiến vào đất liền và sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để mở trận địa. Không ai biết rằng, Nhật Bản với chiến thuật mới, đã cố tình để cho lính Mỹ có thể dễ dàng đặt chân lên đảo. Cho đến trước khi trời tối, quân Mỹ đã kiểm soát khu vực bờ biển rộng 12,8 km với 60.000 người. Cuộc đổ bộ tưởng như đơn giản tiếp tục vào ngày hôm sau. Binh sĩ Mỹ tiến sâu vào trong đảo, chia rẽ lực lượng Nhật làm hai, chiếm hai sân bay vốn là nơi các máy bay cảm tử tấn công tàu chiến Mỹ.
Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 6 rơi vào ổ phục kích của phát xít Nhật ở phía bắc. 3 tuần giao tranh khiến cho lực lượng Mỹ thương vong 1.200 người, con số này bên phía Nhật là 2.500. Tướng Buckner chỉ thực sự biết đến cuộc đối đầu khốc liệt khi tấn công xuống phía nam, nơi Tướng Ushijima cố thủ. Ngày 4/4, quân đoàn thủy quân lục chiến 24 gặp phải kháng cự dữ dội ở thành phố Shuri. Ushijima biết rằng không thể giành chiến thắng nhưng tướng Nhật muốn gây thiệt hại cho người Mỹ lớn nhất có thể bằng chiến tranh tiêu hao. Đợt tấn công cảm tử tái xuất từ ngày 6/4, 700 máy bay tấn công hạm đội 5 Mỹ, phá hủy hoặc gây thiệt hại tới 13 tàu khu trục.
Một tuần sau đó, phát xít Nhật nghĩ ra thứ vũ khí tự sát mới. Quả tên lửa dạng máy bay do các phi công cảm tử Nhật Bản điều khiển. Một khi được kích hoạt ở tầm gần, tên lửa lao thẳng vào mục tiêu với vận tốc gần 1.000 km/giờ. 34 tàu chiến phe Đồng minh đã bị phá hủy bởi loại vũ khí này. Ngoài khơi, hạm đội Nhật Bản cũng khởi động nhiệm vụ tự sát. Không còn nhiều nhiên liệu, thiết giáp hạm Yamato, tàu tuần dương Yahagi và 8 tàu khu trục khác hướng đến Okinawa. Nhưng trước khi có thể hỗ trợ lực lượng trên đảo, các tàu Nhật bị đánh chặn bởi máy bay Mỹ. Không được yểm trợ trên không, niềm kiêu hãnh Yamato và toàn bộ các tàu khác bị đánh chìm.
Trên đảo, quân Mỹ bế tắc trước hệ thống phòng ngự của Ushijima. Ngay cả khi một lính Mỹ đổi 10 quân Nhật, phe Đồng minh vẫn không thể tiến thêm một bước nào. Ngày 12/4, quân Nhật thậm chí còn phản kích dù các đợt tấn công này nhưng lần lượt đều bị lực lượng Mỹ hóa giải rất nhanh chỉ trong 2 ngày. Tướng Buckner ra lệnh tăng cường yểm trợ từ ngoài khơi và tái khởi động tấn công nhưng lính thủy đánh bộ Mỹ không thể vượt qua lớp phòng thủ Nhật. Chỉ trong ngày 2/5, quân Nhật một lần nữa tấn công và tổn thất 5.000 người. Chiến sự chỉ có dấu hiệu thay đổi vào ngày 11/5 khi Tướng Buckner ra lệnh tập trung tấn công vào bên sườn quân Nhật.
Tránh rơi vào thế cô lập, phát xít Nhật rút quân về phía nam và chỉ giữ lại một nhóm bảo vệ thành phố Shuri đến ngày 31/5. Binh sĩ Mỹ phải nhờ đến thuốc nổ và súng phun lửa mới dần vượt qua được các lô cốt phòng thủ Nhật Bản. Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên phía tây nam bán đảo Oroku, mở rộng thêm sân bay để hỗ trợ đồng minh tiến quân về phía nam. Tướng Buckner thậm chí còn thiệt mạng ngày 18/6 do pháo kích Nhật khi đến thị sát tình hình trên chiến trường. Trận chiến trên đảo Okinawa là thảm kịch với đế quốc Nhật khi 110.000 binh sĩ thiệt mạng. Quân Mỹ tổn thất 12.000 binh sĩ, bao gồm 5.000 người chết trên biển và 37.000 người khác bị thương.
Đối với Nhật Bản, trận Okinawa là lần đầu tiên trong Thế chiến II họ phải đối đầu với kẻ thù trên lãnh thổ của mình. Hầu hết người Nhật, bao gồm cả binh sĩ và người dân bản địa, đều tin rằng họ sẽ cầm chắc cái chết nếu rơi vào tay quân Đồng minh, nên lựa chọn tấn công tự sát thay vì chịu “nỗi nhục” thất bại. Do đó, ngoài các phi công cảm tử, rất nhiều binh sĩ Nhật chọn cách tự sát bằng nghi lễ Seppuku, tự cầm kiếm đâm vào bụng, nhất quyết không đầu hàng. Ngay cả tướng Ushijima và tham mưu trưởng Isamu Cho của ông cũng tự sát vào ngày 22/6/1945, ngày cuối cùng của trận chiến mà họ không thể thắng.
Binh sĩ Nhật nghe lệnh Ushijima sau đó vẫn tấn công du kích nhằm vào quân Mỹ cho đến cuối tháng 6, 7.400 quân Nhật cuối cùng đã đầu hàng sau đó, kết thúc 82 ngày giao tranh ác liệt. Thế nhưng lời kể của Zenichi Yoshimine, người đang chuẩn bị vào tiểu học khi trận chiến nổ ra đã khiến thế giới phải chấn động, ông nói rằng dân Okinawa đã bị bộ máy tuyên truyền của chính quyền Nhật Bản nhồi sọ nặng nề. “Người ta nói với chúng tôi rằng Nhật Bản là đất nước thần thánh, không thể thua trong cuộc chiến. Chúng tôi tin người Mỹ là những kẻ xấu, rằng họ rất tàn bạo. Người ta nói rằng nếu lính Mỹ bắt được, họ sẽ xẻo tai, cắt mũi móc mắt và dùng xe tăng chẹt nát chúng tôi.” Hàng ngàn người đã chạy trốn mũi tiến công của lính Mỹ bằng cách chạy lên các vách núi.
Hàng trăm người sau đó đã trúng đạn của lính Mỹ và chết. “Chúng tôi chẳng còn có nơi nào khác để chạy nữa. Chúng tôi giống như chuột mắc bẫy. Chẳng mấy chốc, có rất nhiều người chết, tới mức chúng tôi phải đạp qua xác họ.” Sau khi chiếm được Okinawa, tướng Mỹ Douglas MacArthur đã lên kế hoạch tiến vào các đảo chính của Nhật trong tháng 11 năm đó. Tuy nhiên, lo ngại ngày càng tăng về thiệt hại đối với quân Đồng minh đã dẫn tới một phương án khác. Ngày 26/7/1945, phe Đồng minh ra Tuyên bố Potsdam, yêu cầu Nhật đầu hàng nếu không muốn đối mặt sự hủy diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, Kantaro Suzuki, thủ tướng Nhật khi đó, cho biết chính phủ của ông “không bận tâm” đến tối hậu thư này, bình luận bị tổng thống Mỹ Harry Truman đánh giá thiếu tôn trọng.
Và chẳng cần phải cân nhắc gì nhiều, chưa đầy 2 tháng sau khi thất thủ tại Okinawa, vào lúc 8h15 ngày 6/8/1945, Nhật Bản chìm trong biển lửa khi oanh tạc cơ B29 Enola Gay của không quân Mỹ đã thả quả bom nguyên tử có tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima của đất nước này, ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người, nhiều thi thể đã tan biến trong vụ nổ, tàn phá 90% nhà cửa tại thành phố. Cơ trưởng Robert Lewis sau đó đã viết trong hồi ký về chuyến bay, rằng những người có mặt trên Enola Gay là “những gã dơ dáy”. Bất chấp đòn tấn công thảm khốc, đa số thành viên Hội đồng Chiến tranh Nhật Bản vẫn không muốn tuân thủ các điều khoản đầu hàng vô điều kiện.